ác vết thương, phẫu thuật, nhiễm trùng,... có thể để lại những vết sẹo trên làn da. Và nếu sẹo không tự mờ đi, chúng có thể gây mất thẩm mỹ và làm chúng ta bận tâm mãi. Bài viết này xin gửi đến bạn những thông tin về sẹo cùng nhóm hoạt chất thường dùng để có thể điều trị sẹo một cách đúng đắn và kịp thời nhé

Sẹo là gì?

Sẹo là một phần của quá trình chữa lành vết thương tự nhiên của cơ thể. Da tự phục hồi bằng cách phát triển mô mới để làm liền lại vết thương. 

Sẹo nên được điều trị sớm và đúng cách 

Khác với các mô xung quanh, mô sẹo mới là các mô sợi có cấu trúc có cấu trúc collagen. Khi da bị thương, các mô vỡ ra, giải phóng một loại protein được gọi là collagen. Chúng tích tụ ở những mô bị tổn thương và giúp vết thương mau lành. 

Lúc mới hình thành, sẹo thường có màu hồng hoặc đỏ. Theo thời gian, màu hồng nhạt dần và vết sẹo trở nên sẫm màu hoặc nhạt hơn một chút so với màu da. Ở những người có làn da sẫm màu, sẹo thường xuất hiện dưới dạng đốm đen. Đôi khi vùng sẹo có thể gây cảm giác bị ngứa, đau.

Hầu hết các vết sẹo có thể mờ dần đi sau 2 năm dù không biến mất hoàn toàn. Trong trường hợp sẹo ở những vùng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm phiền đến cuộc sống, ta có thể sử dụng các phương pháp để điều trị sẹo.

Các loại sẹo thường gặp

Có nhiều loại sẹo khác nhau tùy theo mức độ tổn thương, vị trí tổn thương,.. nhưng nhìn chung có thể chia sẹo thành 2 nhóm: sẹo bình thường và sẹo bất thường.

Sẹo bình thường:

Hầu hết các vết sẹo là dạng này. Chúng phẳng và nhạt màu, không co kéo vùng da xung quanh và khó phát hiện nếu không để ý kĩ.

Sẹo bất thường

Chúng khác biệt hẳn với vùng da xung quanh, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và có thể là chức năng của vùng da bị sẹo. 

Các loại sẹo thường gặp

 

Sẹo co rút : Thường phát triển sau khi bị bỏng, sẹo khiến da bị co lại. Những vết sẹo này có thể gây khó khăn cho việc di chuyển, đặc biệt là khi sẹo ăn vào các cơ, dây thần kinh, khớp.

Sẹo lõm: Những vết sẹo lõm này thường do thủy đậu hoặc mụn trứng cá. Chúng trông giống như những vết rỗ tròn hoặc vết lõm nhỏ trên da. Sẹo lõm trở nên rõ ràng hơn khi già đi vì da mất đi collagen và độ đàn hồi theo thời gian.

Sẹo lồi: Những vết sẹo này nhô cao hơn bề mặt da và lan rộng ra ngoài vùng bị thương. Các mô sẹo phát triển quá mức và có thể ảnh hưởng đến cử động.

Sẹo phì đại: Bạn có thể cảm thấy một vết sẹo phì đại khi lướt ngón tay qua vùng da có sẹo. Những vết sẹo này có thể nhỏ dần theo thời gian, nhưng không bao giờ phẳng hoàn toàn. Không giống như sẹo lồi, sẹo phì đại không phát triển hoặc lan rộng ra ngoài vùng bị thương.

Rạn da: Khi da giãn nở hoặc co lại đột ngột, các mô liên kết dưới da có thể bị tổn thương. Rạn da thường phát triển khi mang thai, dậy thì hoặc sau khi tăng hoặc giảm cân nhiều. Chúng thường xuất hiện trên ngực, bụng, đùi, đầu gối và bắp tay.

Các nhóm thuốc trị sẹo

Dùng thuốc trị sẹo là một phương pháp đơn giản, ít tốn kém chi phí và được ưu tiên hàng đầu. Dưới đây là các nhóm hoạt chất thường có trong thành phần của các loại thuốc và kem trị sẹo.

Triamcinolone 

Đây là một thuốc thuộc nhóm steroid, thường dùng theo đường tiêm. Chất này có thể làm giảm đau, ngứa, làm phẳng và mềm vết sẹo. Thường được chỉ định trong điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại. Nó cũng được kết hợp với collagen trong các thuốc tiêm để làm đầy sẹo lõm. 

Corticosteroid

Tiêm corticoid trị sẹo lồi

Các Corticoid được tiêm trực tiếp vào vết sẹo có thể giảm kích thước vết sẹo, đồng thời làm giảm các triệu chứng ngứa và đau. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm sẹo xuất hiện trở lại, da mỏng hơn và xuất hiện các đốm đen tại vùng da được tiêm.

Gel Silicon (dạng tấm hoặc thuốc mỡ)

Đây là các tấm gel mỏng và có thể tự dính. Chúng có tác dụng giảm kích thước, độ cứng, đỏ, sưng, ngứa và ngăn ngừa sẹo sau phẫu thuật.

Băng Polyurethane

Đây là một loại băng ẩm, mềm dẻo, có tác dụng giảm sẹo sau phẫu thuật, giảm độ thâm, cứng và kích thước của vết sẹo.

Chiết xuất Hành Tây (Allium Cepa)

Allium Cepa là một thành phần được sử dụng từ lâu đời trong việc điều trị sẹo. Chiết xuất Hành Tây chứa thành phần Flavonoid quercetin và Kaempferol có hoạt tính chống viêm, kháng khuẩn, đặc biệt là chống tăng sinh và tái tạo da, có thể cải thiện vết sẹo. Nó cũng chứa Axid Pantothenic và Vitamin B5, làm tăng độ ẩm vào da, giúp mô sẹo đàn hồi hơn và thúc đẩy phát triển nguyên bào sợi, hình thành mô mới.

Heparin

Heparin kích thích các tế bào nội mô mao mạch di chuyển vào các mô thiếu máu cục bộ (vùng sẹo) và hình thành hệ thống mạch máu mao mạch mới. Nhờ đó, máu sẽ được tăng cường tưới tại mô da bị tổn thương.

Heparin có tác dụng ức chế sản xuất collagen, làm lỏng cấu trúc collagen, từ đó làm mềm cấu trúc mô. Ngoài ra nó cũng có đặc tính chống viêm, sưng,  rút ngắn thời gian lành vết thương và hỗ trợ tái tạo tế bào và mô.

Allantoin

Allantoin được tìm thấy trong rất nhiều loài thực vật và động vật. Allantoin có khả năng tiêu sừng, loại bỏ các tế bào da chết và già cỗi. Allantoin cũng kích thích tăng sinh tế bào lành, thúc đẩy quá trình tạo biểu mô, làm lành vết thương. Nó cũng giúp bổ sung nhiều nước và cấp ẩm cho da. 

Chiết xuất lô hội (Aloe Vera)

Aloe Vera hay chiết xuất lô hội, được biết đến với công dụng làm dịu da, làm giảm tình trạng căng da, giúp da mềm mại hơn. Lô hội cũng có tính sát khuẩn, giúp vết thương mau lành.

Các loại kem trị sẹo phổ biến nhất

Curcumin

Curcumin trong nghệ có thể giúp vết thương mau lành bằng cách giảm viêm và oxy hóa. Curcumin có tác dụng kích thích sản sinh collagen và elsatin, giúp tái tạo tế bào, thúc đẩy quá trình lên da non. Đồng thời nó cũng ức chế sản sinh và hủy sắc tố làm đen da - melanin, giúp vùng da sẹo trở nên tươi sáng và đều màu hơn với các vùng da lân cận.

Centella Asiatica

Centella Asiatica hay chiết xuất rau má, có chứa Acid Madecassic, Asiaticoside, Madecassoside có hiệu quả trong việc cải thiện điều trị các vết thương nhỏ, vết thương phì đại, vết bỏng,  xơ cứng bì và bệnh vẩy nến. Cơ chế của nó là thúc đẩy tăng sinh nguyên bào sợi, tăng tổng hợp collagen và hàm lượng fibronectin nội bào, ức chế giai đoạn viêm của sẹo phì đại và sẹo lồi.

Acid Alpha Hydroxyl (AHA)

Thành phần này thường được biết với công dụng loại bỏ các tế bào da chết ở lớp trên cùng của da, giúp da tươi mới, mịn màng và giữ ẩm được lâu hơn. Bên cạnh đó AHA cũng có thể hiệu quả với sẹo mà chủ yếu là sẹo mụn trứng cá.

Các Vitamin

Vitamin E, A, C, B3,... có tác dụng chống oxy hóa và dưỡng da, hỗ trợ làm giảm thâm, trẻ hóa làn da,  hỗ trợ các thành phần khác để thúc đẩy quá trình điều trị sẹo. 

Bên cạnh đó, việc sử dụng thường xuyên kem dưỡng ẩm và kem chống nắng cho vùng da bị sẹo cũng rất hữu ích bởi chúng giúp giữ ẩm, cải thiện làn da sẹo và tránh cho da nhạy cảm dưới ánh nắng mặt trời.

Theo Báo Sức Khỏe Đời Sống.

Nguồn bài viết: Bệnh viện đa khoa đông sơn.